Tại hội thảo góp ý Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) với chủ đề "Hoàn thiện chính sách tài chính về đất đai và phát triển thị trường quyền sử dụng đất" do Ban Nghiên cứu, xây dựng và phổ biến pháp luật, Chi hội Luật gia Văn phòng Quốc hội tổ chức sáng nay (18/10), các chuyên gia tham gia đều đánh giá, đây là một Luật có nhiều vấn đề vướng, liên quan đến 112 đạo luật khác nhau.
Thẩm quyền định giá đất đã bộc lộ nhiều hạn chế
Bên cạnh hàng loạt các vấn đề liên quan đến chính sách tài chính về đất đai được đưa ra thảo luận, tại Hội thảo này, nhiều chuyên gia cũng nhấn mạnh tới những vấn đang được đặc biệt quan tâm như khung giá đất, thu hồi đất và thẩm định giá đất.
Phát biểu tham luận tại Hội thảo, PGS.TS Nguyễn Thị Nga - Trưởng Bộ môn Luật Đất đai Đại học Luật Hà Nội đánh giá, pháp luật hiện hành về thẩm quyền định giá đất đã bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập, không phản ánh tính khách quan của hoạt động này mà thể hiện sự can thiệp và chi phối sâu của chủ thể quản lý. Theo đó, tính định hướng thị trường trong định giá đất bị hạn chế rất nhiều.
Đơn cử, theo Nga, Luật Đất đai hiện hành cho phép cơ quan quản lý đất đai cấp tỉnh được thuê tổ chức có chức năng tư vấn xác định giá đất để tư vấn xác định giá đất cụ thể. Tuy nhiên, có địa phương cho rằng, đó là quyền nên họ được lựa chọn sử dụng hoặc không sử dụng dịch vụ tư vấn giá.
Mặt khác, giá đất do tổ chức tư vấn giá chuyên nghiệp đưa ra chưa thực sự đảm bảo chất lượng và độ tin cậy do không thoát khỏi được sự chi phối của Bảng giá đất do UBND cấp tỉnh ban hành.
Bà Nga cũng cho rằng, hiện nay việc thẩm định giá đất và quyết định khung đất còn thiếu bám sát yếu tố thị trường. "Sở Tài nguyên và Môi trường là cơ quan tham mưu, UBND cấp tỉnh lại quyết định thì không đảm bảo tính độc lập vì hai cơ quan này tuy khác nhau nhưng cơ bản là một, rõ ràng đang thiếu vai trò của các tổ chức tư vấn xác định giá đất", bà Nga đánh giá.
Theo đó bà Nga đề xuất, cần hướng tới việc bảo đảm tính độc lập của hội đồng thẩm định giá đất, nâng cao vai trò của tổ chức tư vấn xác định giá đất, các định giá viên. Trong đó cần quan tâm đến việc đào tạo, nâng cao năng lực và đạo đức của các định giá viên, hướng tới chuẩn hóa, cấp chứng chỉ hành nghề.
Đặc biệt, vị chuyên gia này cũng cho rằng cần bổ sung thêm vai trò của cơ quan tài chính mà trước hết là Sở Tài chính trong quá trình định thẩm định giá, quyết định khung giá đất chứ không thể duy trì trạng thái "độc quyền" của Sở Tài nguyên và Môi trường.
Không nên để Công an tỉnh vào Hội đồng thẩm định giá đất
Phát biểu tại Hội thảo, ông Nguyễn Văn Phúc - nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, cho rằng trong Dự thảo Luật đất đai (sửa đổi) cần bổ sung điều khoản quy định cụ thể về trình tự thủ tục để trình HĐND quyết định về bảng giá đất để đảm bảo tính công khai minh bạch.
Liên quan đến Hội đồng thẩm định giá đất, ông Phúc cho rằng, cần nghiên cứu kỹ lượng thành phần của Hội đồng để cơ quan này đảm bảo tính khách quan, minh bạch trong hoạt động. Cụ thể, khi HĐND đã là cơ quan quyết định thì cũng không nên tham gia vào thành phần Hội đồng thẩm định giá đất.
Ngoài ra, ông Phúc cho rằng, cũng không nhất thiết phải có vai trò của Mặt trận Tổ quốc trong Hội đồng thẩm định giá đất. "Hãy để cho Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội có chức năng thẩm định, giám sát một cách độc lập như đúng chức năng vai trò của họ chứ không nên quy định vào thành phần Hội đồng thẩm định giá đất như dự thảo", ông ý kiến.
Bên cạnh đó, vị chuyên gia này cũng nhấn mạnh, không nên để Công an tỉnh vào Hội đồng thẩm định giá đất. "Nếu Công an tham gia thì sau này quá trình điều tra sẽ diễn ra như thế nào", ông Phúc đặt câu hỏi và cho rằng nên để Công an là một bộ phận độc lập với Hội đồng để đảm bảo yếu tố khách quan.
Trong khi đó, ông Phúc cho rằng, cần có vai trò của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch bởi nhu cầu đất đai liên quan đến chức năng nhiệm vụ của cơ quan này tương đối nhiều. "Chúng ta có thể nghiên cứu phương án trong dự thảo chỉ quy định thành phần cứng, còn cụ thể thành phần thì giao cho Chính phủ thực hiện", ông Nguyễn Văn Phúc đề xuất.
Phát biểu thảo luận tại Hội thảo, GS.TS Lê Hồng Hạnh (Hội Luật gia Việt Nam) cho biết, những bất cập liên quan đến đất đai có nhiều nguyên nhân khác nhau, cấp giấy chứng nhận đất, quản lý, quy hoạch đất đai… mỗi vấn đề phát sinh nhiều hệ lụy khác nhau, nhưng nghiêm trọng nhất và hệ lụy đặc biệt lớn đó là giao đất, cho thuê đất. Trong vấn đề giao đất, cho thuê đất đang vận hành theo cơ chế đấu thầu, định giá…
GS.TS Lê Hồng Hạnh mong muốn, việc sửa đổi Luật Đất đai phải tạo ra được cơ chế xác định giá đất chuẩn xác, gắn với thị trường, gắn với cung và cầu về đất đai. Vì thế, ông đề nghị cần tìm mọi cách để hoàn thiện quy định này để định giá đất, đưa việc đấu thầu sử dụng dự án đất về đúng quỹ đạo của kinh tế thị trường.
"Nếu không làm được điều đó thì những quy định về đấu thầu dự án sử dụng đất, đấu giá sử dụng đất còn luẩn quẩn, sẽ là cội nguồn của tham nhũng, cội nguồn của lãng phí, lợi ích nhóm…", ông Hạnh nhấn mạnh.