Ghé thăm Di tích văn hóa lịch sử Văn Miếu - Quốc Tử Giám và tìm hiểu về văn hóa lịch sử của Việt Nam. Đây là một ngôi đền với kiến trúc đẹp mắt, nơi vương triều xưa đào tạo các nhà giáo và các nhà khoa học. Bạn có thể thăm Quốc Tử Giám để xem bảng vàng danh dự với các tấm bằng của các học sinh giỏi nhất và hình dung về cuộc sống học tập xưa kia. Đây là điểm đến lý tưởng cho những ai yêu thích văn hóa và lịch sử.
Giới thiệu lịch sử Văn Miếu - Quốc Tử Giám
Văn Miếu - Quốc Tử Giám là quần thể kiến trúc tọa lạc tại số 68 Quốc Tử Giám, Đống Đa, Hà Nội, nằm ngay trung tâm thành phố Hà Nội, giữa 4 tuyến phố Nguyễn Thái Học, Tôn Đức Thắng, Văn Miếu và Quốc Tử Giám.
Toàn cảnh thiết kế của Văn Miếu Quốc Tử Giám (Ảnh: ᴠanmieu.goᴠ.ᴠn)
Quần thể di tích Văn Miếu – Quốc Tử Giám có quy mô khá rộng, mặt bằng hình chữ nhật, chiều dài 306m, mặt trước rộng 61m, mặt sau 75m, nằm trong bức tường bao quanh toàn bằng những viên gạch vồ cỡ lớn. Quần thể kiến trúc này gồm hai di tích Văn Miếu và Quốc Tử Giám.
Văn Miếu được Vua Lý Thánh Tông cho xây từ mùa thu năm 1070, để thờ Khổng Tử, Chu Công, cùng tứ phối là Nhan Tử, Tăng Tử, Tư Tử, Mạnh Tử và các bậc hiền triết Nho giáo. Sau này, vào năm 1370, khi Quốc Tử Giám Tư nghiệp Chu Văn An qua đời, Vua Trần Nghệ Tông cho thờ ông ở Văn Miếu, bên cạnh Khổng Tử.
Quốc Tử Giám được Vua Lý Nhân Tông cho xây kề sau Văn Miếu vào năm 1076 với mục đích thành lập trường học hoàng gia, dành riêng cho con vua, chúa, và các bậc đại quyền quý trong triều. Đến thời vua Trần Thái Tông, Quốc Tử Giám được đổi tên thành Quốc học viện và thu nhận cả con cái nhà thường dân có sức học xuất sắc.
Sang thời hậu Lê, đời vua Lê Thánh Tông bắt đầu cho dựng bia của những người thi đỗ tiến sĩ. Tới thời Nguyễn, Quốc Tử Giám được lập Huế. Văn miếu Thăng Long được sửa sang lại chỉ còn là Văn Miếu của trấn Bắc Thành, sau đổi thành Văn Miếu Hà Nội.
Văn Miếu trở thành một trong những di tích lịch sử hấp dẫn và địa điểm tham quan nổi tiếng tại Hà Nội. Vào năm 2012, nơi đây đã chính thức trở thành Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt.
Đặc điểm kiến trúc Văn Miếu - Quốc Tử Giám
Quần thể kiến trúc Văn Miếu – Quốc Tử Giám nằm trên diện tích rộng 54.331m2 bao gồm: Hồ Văn, vườn Giám và Nội tự.
Khu nội tự Văn Miếu – Quốc Tử Giám được ngăn cách với vườn Giám và bên ngoài bằng tường gạch vồ, được chia làm 5 lớp không gian khác nhau, mỗi lớp được giới hạn bởi các tường gạch, có các cửa thông nhau: một cửa chính giữa và hai cửa phụ hai bên với các kiến trúc chủ thể là: cổng Văn Miếu môn, cổng Đại Trung môn, Khuê Văn Các, cổng Đại Thành môn, khu điện thờ, cổng Thái Học và cổng Thái Học.
Tứ trụ Văn Miếu - Quốc Tử Giám
Hồ Văn: Nằm ngay phía trước cổng của Văn Miếu, hồ Văn hay còn gọi là hồ Giám hoặc hồ Minh Đường. Giữa hồ có gò Kim Châu, trên gò dựng Phán Thuỷ đường (là nơi diễn ra các buổi bình văn thơ của nho sĩ kinh thành xưa).
Văn Miếu Môn: Kiểu dáng kiến trúc Văn Miếu môn mang nhiều nét độc đáo, nhìn bên ngoài tam quan là 3 kiến trúc riêng biệt. Cửa chính giữa thực chất xây 2 tầng. Mặt bằng hình vuông. Tầng dưới to, tầng trên nhỏ chồng lên giữa tầng dưới, do đó xung quanh thừa ra một hàng hiên rộng, 4 mặt có lan can. Phía bên ngoài tầng dưới chỉ mở có một cửa cuốn, 2 cánh bằng gỗ và mi cửa hình bán nguyệt cũng bằng gỗ chạm hình đôi rồng chầu mặt nguyệt. Phía bên trong lại mở 3 cửa cuốn không có cánh. Tầng trên làm 8 mái, 4 mái hiên và 4 mái nóc. Mái tầng trên làm cong lên ở 4 góc. Bờ nóc cũng có đắp đôi rồng chầu mặt nguyệt.
Đại Trung môn: Bắt đầu với cổng chính Văn Miếu môn vào không gian thứ nhất gọi là khu Nhập đạo, theo đường lát gạch thẳng tới cổng thứ hai là Đại Trung môn. Ngang hàng với Đại Trung môn bên trái có Thành Đức môn, bên phải có Đạt Tài môn. Kiến trúc Đại Trung môn được làm theo kiểu 3 gian, xây trên nền gạch cao, có mái lợp ngói mũi hài, có hai hàng cột hiên trước và sau, ở giữa là hàng cột chống nóc. Gian giữa cổng treo một tấm biển nhỏ đề 3 chữ “Đại Trung môn”. Từ hai cửa Đạt Tài môn và Thành Đức môn ở hai bên cửa Đại Trung môn, hai con đường lát gạch khác nhỏ hơn chạy thẳng song song với con đường trục giữa vươn thẳng tới cổng thứ 3.
Khuê Văn Các: thiết kế 2 tầng dựa trên thuyết âm dương ngũ hành, là biểu tượng cao quý của Nho học và đã được lựa chọn là biểu tượng của thành phố Hà Nội. Công trình kiến trúc này tuy không đồ sộ song tỷ lệ hài hòa và đẹp mắt. Kiến trúc gồm 4 trụ gạch vuông bên dưới đỡ tầng gác phía trên, có những kết cấu gỗ rất đẹp.
Tầng trên có 4 cửa hình tròn, hàng lan can con tiện và con sơn đỡ mái bằng gỗ đơn giản, mộc mạc. Mái ngói chồng hai lớp tạo thành công trình 8 mái, gờ mái và mặt mái phẳng. Gác là một lầu vuông tám mái, bốn bên tường gác là cửa sổ tròn hình mặt trời tỏa tia sáng.
Gác Khuê Văn vốn là nơi xưa kia dùng để họp bình những bài văn hay của các sĩ tử đã thi trung khoa thi hội. Gác nhỏ xinh, kiến trúc giản dị nhưng tao nhã, đặc biệt Khuê Văn Các ở Văn Miếu – Quốc Tử Giám đã được công nhận là biểu tượng của thành phố Hà Nội.
Giếng Thiên Quang, Bia Tiến sĩ: gồm hồ nước Thiên Quang Tỉnh (nghĩa là giếng soi ánh mặt trời), có hình vuông. Hai bên hồ là khu nhà bia tiến sĩ.
Mỗi tấm bia được làm bằng đá, khắc tên các vị thi đỗ Trạng nguyên, Bảng nhãn, Thám hoa, Hoàng giáp, Tiến sĩ. Bia đặt trên lưng một con rùa. Hiện còn 82 tấm bia về các khoa thi từ năm 1442 đến năm 1779.
Đại Thành môn, khu Điện thờ: kiểu kiến trúc 3 gian lợp ngói với 2 cột hiên trước sau và 1 hàng cột giữa. Hàng cột giữa đỡ sà nóc, đồng thời cũng là hàng cột để lắp cửa. Ba gian đều được lắp cửa 2 cánh. Chính giữa, trên giáp nóc có treo một bức hoành khắc 3 chữ “Đại Thành Môn”. Hai bên cũng có hai cửa phụ nhỏ mang tên Ngọc Trân và Kim Thành, đi vào khu vực thứ tư một sân rộng trải ra, đỏ nâu mầu gạch vuông Bát Tràng. Hai bên là dãy Tả, Hữu vu, mỗi dãy 9 gian, nơi xưa đặt bài vị thờ 72 vị tiên hiền Trung Quốc và hai bậc đại nho nước Nam: Chu Văn An và Trương Hán Siêu.
Cuối sân là nhà Đại bái trải dài suốt chiều ngang sân với 9 gian, song song với lớp thứ hai ở phía sau là hậu cung. Trong Đại bái còn có một chuông lớn “Bích ung đại chung” đúc năm Cảnh Hưng (1768) do Nguyễn Nghiễm đứng ra làm, chuông này trước treo ở Trường Giám.
Quốc Tử Giám – nhà Thái Học: Gồm các công trình kiến trúc chính là Tiền đường, Hậu đường, Tả vu, Hữu vu, nhà chuông, nhà trống được xây dựng trên nền đất xưa của trường Quốc Tử Giám. Hậu đường khu Thái học có hai tầng. Tầng 1, thờ thầy giáo Chu Văn An, tầng 2, là nơi thờ các vị vua Lý Thánh Tông, Lý Nhân Tông và Lê Thánh Tông. Hai nhà tả hữu vu, là khu công sở làm việc của Trung tâm Hoạt động Văn hóa khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám.
Lưu ý khi đến thăm Văn Miếu - Quốc Tử Giám
Du lịch đến với Hà Nội ngàn năm văn hiến thì đây chắc chắn là địa điểm mà bạn nên ghé thăm. Tuy nhiên, khi đến di tích lịch sử này, bạn cần lưu ý một số vấn đề sau:
- Mặc trang phục lịch sự, gọn gàng, sạch sẽ, trang nghiêm.
- Tuyệt đối không đội nón, mũ hay hút thuốc hay mang các vật liệu dễ cháy nổ trong khuôn viên Văn Miếu.
- Chỉ dâng lễ thắp hương chỉ thắp 1 nén hương đúng nơi quy định.
- Không xâm hại đến các hiện vật, không viết vẽ, đứng ngồi lên, không xoa đầu rùa, bia Tiến sĩ và các hiện vật trưng bày khác,...
- Đi nhẹ nói khẽ giữ gìn vệ sinh cảnh quan môi trường.
- Không thực hiện các hoạt động mê tín dị đoan, lừa đảo, cờ bạc trong Văn Miếu,...