Câu hỏi của bạn đọc CafeLand có nội dung:
Tôi có mua một kiot bán hàng ở chợ. Hai bên đã thỏa thuận và đồng ý nhưng chỉ mua bán viết tay với nhau và có người làm chứng. Vì công việc bận rộn nên tôi chưa ra chính quyền công chứng bản thỏa thuận viết tay.
Đến nay, người bán muốn lấy lại kiot và xảy ra tranh chấp. Cho tôi hỏi, vụ việc này đưa ra pháp luật thì tôi có bị mất kiot bán hàng không? Và tôi nên làm gì bây giờ để giữ lại được? Mong luật sư tư vấn giúp. Xin cảm ơn.
giochamai@...
Luật sư Trần Thị Thanh Nga – Công ty luật TNHH Đất Luật trả lời:
Do không có đầy đủ thông tin về hình thức sở hữu, sử dụng ki-ốt của người bán, nên chúng tôi không thể tư vấn cụ thể cho bạn được.
Tuy nhiên, bạn cần lưu ý rằng, quy định về quản lý phát triển chợ tại Khoản 5 Điều 5 Nghị định số 02/2003/NĐ-CP của Chính phủ chỉ cho phép chủ đầu tư xây dựng chợ được quyền huy động vốn để xây dựng chợ trên cơ sở thỏa thuận với thương nhân đăng ký sử dụng hoặc thuê điểm kinh doanh tại chợ và các nguồn vốn khác của nhân dân đóng góp hoặc sử dụng quyền sử dụng đất và các công trình trong phạm vi chợ thuộc quyền sử dụng của mình để thế chấp vay vốn tín dụng ngân hàng theo quy định hiện hành để đầu tư sửa chữa lớn, cải tạo, nâng cấp chợ.
Ngoài ra, tại Khoản 1 Điều 11 Nghị định số 02/2003/NĐ-CP quy định địa điểm kinh doanh tại chợ (trong đó có ki ốt) chỉ bao gồm 2 loại: (i) Loại giao cho thương nhân sử dụng kinh doanh trong trường hợp có hợp đồng góp vốn ứng trước để đầu tư xây dựng chợ hoặc trả tiền sử dụng một lần trong một thời hạn nhất định sau khi chợ được xây dựng xong; (ii) Loại cho thương nhân thuê để kinh doanh.
Theo đó, sẽ không có hình thức sở hữu ki ốt của các thương nhân kinh doanh tại chợ. Vì thế bạn cần xem lại hình sử dụng của người đã “bán” ki ốt cho bạn, đồng thời liên hệ đơn vị quản lý chợ để có phương án chuyển nhượng quyền sử dụng, quyền thuê cho phù hợp.