Nhà nông thôn 1 tầng tại Thái Bình là sự kết hợp hoàn hảo giữa truyền thống và hiện đại. Với kiến trúc đơn giản và màu sắc truyền thống, ngôi nhà mang lại cảm giác ấm cúng và thân thuộc. Tuy nhiên, nhờ vào các tiện nghi hiện đại như điện năng mặt trời và hệ thống thoáng khí tiên tiến, nhà này cũng đáp ứng tốt nhu cầu sống hiện đại. Một ngôi nhà lý tưởng cho cuộc sống đồng quê tiện nghi trong thời đại hiện đại.
Nhà nông thôn 1 tầng có diện tích 600m2 tọa lạc tại vùng quê chuyên trồng lúa giáp ranh với thành phố Thái Bình.
Phần lớn người dân ở đây đều làm nông nên nhìn chung kiến trúc nhà là 1 đến 2 tầng, rất ít kiểu nhà 1 tầng kiểu nông thôn truyền thống với mái dốc.
Theo chia sẻ của kiến trúc sư ngôi nhà như món quà của 2 người con đã có gia đình dành tặng bố mẹ, đây sẽ là nơi ông bà ở và các thành viên quây quần tụ tập vào mỗi cuối tuần.
Mảnh đất hiện tại được canh tác theo mô hình nông nghiệp tự cung tự cấp gồm vườn rau ăn quả, ao cá, trang trại nuôi gà, trồng lúa kết hợp. Chính vì vậy, phương án thiết kế xoay quanh tiêu chí quan trọng nhất là phù hợp với lối sống và thói quen sinh hoạt hàng ngày của bố mẹ.
Các tiêu chí khác như từ thông gió tự nhiên, chiếu sáng, giảm tiêu thụ năng lượng, đến tận dụng và tái sử dụng nước mưa cho sinh hoạt cũng được áp dụng. Ngoài ra ngôi nhà còn có lợi thế 3 mặt thoáng nhìn ra vườn, ao rộng và đón gió phía Nam, mặt chính quay về hướng Tây.
Dựa trên thiết kế gần gũi, thân thuộc với người bố mẹ, giải pháp đưa ra là 2 khối nhà nằm 2 hướng theo 2 phong cách khác nhau. Một khối phía Tây hơi hướng nhà truyền thống kiểu Bắc Bộ làm phòng khách và không gian thờ. Khối còn lại hướng Nam mang tính hiện đại hơn sẽ là không gian bếp, phòng ăn, phòng ngủ cho bố mẹ.
Vì đa phần người dân ở nông thôn đều phải gieo trồng, thu hoạch và phơi lúa, vì vậy khoảng sân đa năng rộng lớn là một đặc điểm không thể thiếu. Từ đó sân phơi lúa đã mở ra thêm nhiều chức năng thành sân chơi cho trẻ, nơi tụ tập sinh hoạt các ngày lễ truyền thống Việt. Đây cũng chính là không gian gắn kết con người với thiên nhiên, gia đình với làng xã, cộng đồng với địa phương.
Do mặt tiền chính ngôi nhà hướng Tây nên kiến trúc sư đã bố trí phần hiên là không gian đệm chuyển tiếp giữa trong và ngoài nhà. Đồng thời là không gian giảm nhiệt cho phòng khách.
Cụ thể, phần hiên được lùi vào một khoảng, sử dụng rèm cây vừa để lọc không khí đi vào nhà vừa giảm tác động ánh nắng mặt trời mà vẫn đảm bảo thông thoáng, tầm nhìn và làm dịu không gian kiến trúc, giúp con người gắn kết, gần gũi với thiên nhiên.
Để kết nối ngôi nhà với hiên và sân mà vẫn đảm bảo tầm nhìn thông thoáng, kiến trúc sư đã sử dụng hệ thống cửa gỗ mở quay tối đa có thể dễ dàng thay đổi, kết nối dễ dàng hơn với hiên nhà và tạo mảng chắc chắn cho mặt tiền chính.
Trong khi đó, khối tường gạch nung đỏ lại chịu trực tiếp các tia ánh nắng mặt trời nên cần tăng cường chống nóng bằng cách sử dụng gạch hai lớp cho tường bao che. Giữa 2 lớp gạch là khe hở khoảng 50mm giúp không khí lưu thông, làm chậm quá trình truyền nhiệt. Bên ngoài tường được ốp thêm một lớp gạch đặc màu đỏ giúp chống ẩm mốc, chống nóng và tăng độ bền cho tường.
Tầng 2 gồm có phòng ngủ của 2 người con đã có gia đình khi đến chơi mỗi cuối tuần và phòng chơi bóng bàn của cả gia đình. Đặc biệt, kiến trúc sư đã tận dụng chiều cao của mái dốc để làm một căn phòng áp mái nhỏ cho trẻ nhỏ. Căn phòng này sẽ nằm trong phong ngủ của bố mẹ chúng để dễ theo dõi và tương tác với con hơn.
Phối cảnh kiến trúc nhà nông thôn 1 tầng giao hòa giữa truyền thống và hiện đại tại Thái Bình.
(Nguồn: Chu Ngoc Anh Architects)