Nắp lưng là bộ phận cung cấp thông tin về mẫu đồng hồ đó. Ngoài ra, nó còn là bộ phận có nhiệm vụ cực kỳ quan trọng trong khả năng chống nước của đồng hồ. Tuy nhiên, mỗi loại lại có những đặc điểm và chức năng khác nhau. Cùng SHOPDONGHO.com tìm hiểu các loại nắp lưng đồng hồ trong bài viết này.
Nắp lưng đồng hồ là gì?
Nắp lưng đồng hồ chính là mặt sau của đồng hồ, nơi tiếp xúc với tay của bạn. Thông thường, nó được làm từ thép không gỉ 316l để chống lại sự ăn mòn của mồ hôi, bụi bẩn giúp đồng hồ luôn bền chắc và đẹp. Tuy nhiên, với dòng máy cơ thì nắp lưng còn sử dụng mặt kính để khoe những chuyển động nhịp nhàng của bộ máy. Kính thường được sử dụng là kính cứng hoặc Sapphire.
Nắp lưng là nơi cung cấp thông tin cho người mua: thông tin thương hiệu, số hiệu sản phẩm, bộ máy, chất liệu, nơi sản xuất,… Những thông tin này sẽ được khắc hoặc dập nổi trên nắp lưng. Ngoài ra, nó còn là một phần của vỏ đồng hồ có thể tháo rời, chịu trách nhiệm bảo vệ bộ máy bên trong dưới những tác hại như nước, bụi bẩn, hay các cú va đập,…
Phân biệt các loại nắp lưng đồng hồ
Nắp lưng đồng hồ hiện nay gồm 3 loại: nắp vặn, nắp ép, nắp ốc. Mỗi loại có một cơ chế đóng mở và bảo vệ đồng hồ khác nhau.
Nắp vặn đồng hồ
Nắp vặn là loại nắp lưng đồng hồ đóng-mở bằng cách vặn. Ở mặt trên của nắp vặn (mặt khắc thông tin) có các lõm phân bố đều trên chu vi của nắp (thường là 6 lõm). Các lõm này là nơi để dụng cụ tháo mở neo bám để thực hiện thao tác đóng/mở. Mặt còn lại của nắp vặn và mặt trong của thân vỏ có ren vặn ăn khớp với nhau.
Cách đóng / mở nắp vặn: Để mở nắp lưng đồng hồ dạng vặn, cần có dụng cụ neo giữ ít nhất 2 lõm đối xứng và vặn. Để đóng nắp, dùng tay vặn nắp lưng ngược chiều chiều mở, khi cảm thấy không vặn được nữa thì dùng dụng cụ neo giữ ít nhất 2 lõm đối xứng để siết cho chặt hơn.
Cấu tạo ren vặn của nắp vặn khiến cho loại nắp này đóng rất khít, chống nước tốt nhất trong cả ba loại nắp lưng đồng hồ, thường dùng trên đồng hồ thể thao, đồng hồ chống nước, đồng hồ lặn. Gần như toàn bộ đồng hồ dùng nắp lưng dạng vặn đều có khả năng chống nước từ 10 ATM trở lên.
Đánh giá nắp vặn:
- Ưu điểm: chống nước tốt nhất, chống sốc cực tốt (chống bung mở nắp lưng khi va đập), khó hỏng
- Nhược điểm: khó đóng/mở (phải có dụng cụ chuyên dụng), chi phí sản xuất khá cao nên cũng khá đắt tiền, phần ren vặn khiến cho mặt đồng hồ dày hơn khá đáng kể, khả năng chống nước và chống sốc sẽ giảm khi trang bị thêm mặt kính triển lãm máy.
Đồng hồ dùng nắp vặn thường dành cho thể thao, cho thợ lặn chuyên làm việc dưới nước, cũng có nhiều sản phẩm đồng hồ cơ triển lãm máy dùng nắp vặn. Chúng thường khá to, dày nhưng nhờ đó mà cũng rất bền bỉ. Giá của đồng hồ dùng nắp vặn cùng không quá cao, khoảng 3 triệu trở lên là có thể tìm được một sản phẩm chống nước 10 ATM nhờ nắp vặn rồi đấy.
Nắp ép đồng hồ
Nắp ép là loại được đóng kín vào vỏ bằng áp suất (áp lực ép) và mở ra bằng thao tác nạy. Ở mặt trên của nắp ép (mặt khắc thông tin) không có bất cứ lỗ, lõm nào dành cho dụng cụ đóng/mở nên nhìn chiếc đồng hồ đeo tay này rất sang trọng.
Nắp ép đóng rất khít, đảm bảo cho nước, bụi bẩn khó xâm nhập vào đồng hồ. Khả năng chống nước của nắp ép chỉ đứng sau nắp vặn, độ dày của mặt đồng hồ dùng nắp ép cũng thuộc hàng mảnh mai nhất. Khả năng chống nước của nắp ép dao động từ 3-10 ATM và khá phụ thuộc vào độ dày của đồng hồ (thường đạt 5 ATM).
Cách đóng / mở nắp ép: Để mở nắp phải dùng dao hoặc dụng cụ nạy đặt vào trong khe rãnh giữa nắp lưng và vỏ đồng hồ và nạy ra theo nguyên tắc đòn bẩy. Để đóng nắp, chỉ cần dùng các ngón tay ép khít nắp lưng và vỏ là xong.
Đánh giá nắp ép:
- Ưu điểm: không làm tăng độ dày, chống nước tốt, dễ sản xuất-giá rẻ, sang trọng
- Nhược điểm: khó mở, khi mở dễ khiến thân vỏ bị trầy xước (điểm trừ cực lớn đối với đồng hồ làm bằng kim loại quý), chống sốc không cao, đóng mở quá thường xuyên dễ khiến loại nắp lưng đồng hồ này bị biến dạng từ đó giảm khả năng chống nước, bụi…
Đồng hồ dùng nắp ép có phạm vi thể loại khá rộng, từ bán thể thao cho đến chống nước giá rẻ, dùng hằng ngày trong văn phòng, trên đồng hồ sang trọng… Giá có thể bắt đầu từ vài trăm nghìn, chúng được đánh giá là giá cả phải chăng, khá nhẹ nhàng, dễ vệ sinh.
Nắp ốc đồng hồ
Nắp ốc được gắn chặt vào thân vỏ nhờ các ốc vít, ốc vít xuyên suốt từ nắp lưng cho đến thân vỏ. Ở mặt trên của nắp ốc (mặt khắc thông tin) thường có 4 hoặc 6 lỗ để bắt vít, phân bố đều trên chu vi của nắp lưng đồng hồ.
Nắp ốc chỉ chống nước tương đối, nếu không được bổ sung gioăng chống nước bên trong vỏ thì đa phần đồng hồ dùng nắp ốc đều chỉ đạt đến chỉ số 3 ATM. Nắp ốc ít làm ảnh hưởng đến độ dày của đồng hồ, thao tác mở nắp ốc không phát sinh quá nhiều lực ảnh hưởng đến thẩm mỹ nên cực kỳ phù hợp với đồng hồ đeo hằng ngày, đồng hồ cơ triển lãm máy.
Cách đóng / mở nắp ốc: để mở nắp lưng đồng hồ, chỉ cần dùng vít có đầu phù hợp tháo hết tất cả ốc vít trên nó và nhẹ nhàng nhấc lên. Để đóng nắp, lắp nắp lưng đồng hồ vào đúng vị trí (các lỗ bắt ốc của nắp lưng nằm trùng với các lỗ bắt ốc của thân vỏ) sau đó vặn tất cả ốc vào.
Đánh giá nắp ốc:
- Ưu điểm: dễ đóng/mở nhất, có thể trang bị kính để triển lãm máy cơ ở mặt sau, chi phí sản xuất không cao dẫn đến giá khá phải chăng, chống sốc tốt (chống bung mở nắp lưng khi va đập)
- Nhược điểm: chống nước kém (trừ các dòng đồng hồ điện tử của casio), khi tháo mở dễ làm mất ốc, các lỗ bắt ốc dễ đóng bụi bẩn khó vệ sinh đồng hồ
Đồng hồ dùng nắp ốc phần lớn là đồng hồ cơ lộ máy, đồng hồ điện tử của Casio. Đồng hồ dùng loại nắp lưng này có thể làm mỏng hơn nắp vặn, không khó tháo mở và dễ mất thẩm mỹ khi tháo mở như đồng hồ nắp ép. Giá khá rộng, từ vài trăm nghìn đồng cho đến vài tỷ đồng đều có.
Các loại nắp lưng đồng hồ đều có những ưu và nhược riêng. Nếu có bất kỳ thắc mắc nào, hãy để lại bình luận để SHOPDONGHO.com giải đáp thắc mắc nhé.