Câu hỏi từ bạn đọc CafeLand có nội dung:
Gia đình tôi và hàng xóm đang xảy ra tranh chấp đất đai nơi giáp ranh của hai hộ. Khi có đơn gửi lên xã để giải quyết nhưng bên kia không chịu hòa giải mà đòi ra tòa.
Vừa rồi phía gia đình tôi có xây công trình phụ ở vị trí giáp ranh với nhà hàng xóm. Do địa thế đất không vuông vắn, lại có nhiều cây nên chúng tôi có xây lệch một chút về phía phần đất hộ bên kia.
Thời gian đã lâu, đất do bố mẹ để lại nay rất khó nhận biết ranh giới rõ ràng đất hai nhà, chỉ ước lượng bằng con mương nhỏ và gốc cây ven bờ.
Khi tiến hành đổ móng xây thì hộ bên kia âm thầm làm đơn kiện lên xã. Cán bộ xã mời lên giải quyết bằng hòa giải nhưng bên kia nhất định không chịu, đòi đưa ra tòa. Vậy cho tôi hỏi, bên kia có quyền làm vậy không, trường hợp nào thì cần ra tòa giải quyết khi tranh chấp đất đai?
nguyenbatt@...
Trả lời:
Theo quy định của Luật Đất Đai 2013 thì thủ tục hòa giải tại UBND cấp xã là bắt buộc trước khi đưa tranh chấp đất đai đến các chủ thể có thẩm quyền để giải quyết.
Theo đoạn 2 điểm c khoản 1 Điều 88 Nghị định 43/2014/NĐ-CP có liên quan đến thủ tục hòa giải tại UBND cấp xã thì: “Việc hòa giải chỉ được tiến hành khi các bên tranh chấp đều có mặt. Trường hợp một trong các bên tranh chấp vắng mặt đến lần thứ hai thì được coi là việc hòa giải không thành.”
Như vậy, nếu bên kia vắng mặt đến lần thứ hai thì việc hòa giải coi như không thành. Ủy ban nhân dân cấp xã sẽ lập biên bản hòa giải không thành và hướng dẫn các bên tranh chấp gửi đơn đến cơ quan có thẩm quyền giải quyết tranh chấp tiếp theo (khoản 4 Điều 88 NĐ 43/2011/NĐ-CP).
Theo đó, tranh chấp đất đai đã được hòa giải tại Ủy ban nhân dân cấp xã mà không thành thì được giải quyết như sau:
“1. Tranh chấp đất đai mà đương sự có Giấy chứng nhận hoặc có một trong các loại giấy tờ quy định tại Điều 100 của Luật này và tranh chấp về tài sản gắn liền với đất thì do Tòa án nhân dân giải quyết;
2. Tranh chấp đất đai mà đương sự không có Giấy chứng nhận hoặc không có một trong các loại giấy tờ quy định tại Điều 100 của Luật này thì đương sự chỉ được lựa chọn một trong hai hình thức giải quyết tranh chấp đất đai theo quy định sau đây:
a) Nộp đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp tại Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền theo quy định tại khoản 3 Điều này;
b) Khởi kiện tại Tòa án nhân dân có thẩm quyền theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự;”
Những Giấy tờ theo quy định tại Điều 100 Luật đất đai bao gồm:
- Những giấy tờ về quyền được sử dụng đất trước ngày 15 tháng 10 năm 1993 do cơ quan có thẩm quyền cấp trong quá trình thực hiện chính sách đất đai của Nhà nước Việt Nam dân chủ Cộng hòa, Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam và Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;
- Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tạm thời được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp hoặc có tên trong Sổ đăng ký ruộng đất, Sổ địa chính trước ngày 15 tháng 10 năm 1993;
- Giấy tờ hợp pháp về thừa kế, tặng cho quyền sử dụng đất hoặc tài sản gắn liền với đất; giấy tờ giao nhà tình nghĩa, nhà tình thương gắn liền với đất;
- Giấy tờ chuyển nhượng quyền sử dụng đất, mua bán nhà ở gắn liền với đất ở trước ngày 15 tháng 10 năm 1993 được Ủy ban nhân dân cấp xã xác nhận là đã sử dụng trước ngày 15 tháng 10 năm 1993;
- Giấy tờ thanh lý, hóa giá nhà ở gắn liền với đất ở; giấy tờ mua nhà ở thuộc sở hữu nhà nước theo quy định của pháp luật;
- Giấy tờ về quyền sử dụng đất do cơ quan có thẩm quyền thuộc chế độ cũ cấp cho người sử dụng đất;
- Các loại giấy tờ khác được xác lập trước ngày 15 tháng 10 năm 1993 theo quy định của Chính phủ
Như vậy, sau khi hòa giải tại UBND xã không thành, nếu:
- Bên kia có Giấy Chứng nhận hoặc một trong các loại giấy tờ trên, thì việc bên kia yêu cầu đưa tranh chấp ra Tòa án là hoàn toàn phù hợp theo quy định.
- Bên kia không có Giấy chứng nhận hoặc một trong các loại giấy tờ trên, thì bên kia có quyền lựa chọn đưa tranh chấp ra Tòa án hoặc nộp đơn yêu cầu giải quyết tại UBND có thẩm quyền.