Câu hỏi từ bạn đọc CafeLand có nội dung:
Tôi và chồng cưới nhau được 15 năm. Cách đây 2 năm, do mâu thuẫn giữa hai bên nên chúng tôi quyết định sống ly thân.
Chúng tôi có 2 căn nhà trên cùng khu đất. Ở ngoài Bắc hay gọi là nhà trên (nhà chính có nơi để thờ tổ tiên, ông bà) và 1 căn nhà ngang (giống như nhà phụ để cất giữ nhiều đồ đạc). Tôi ở dưới nhà ngang.
Dù chưa chính thức ra tòa ly hôn nhưng cũng đã quyết định vậy. Giờ không may chồng tôi đột ngột qua đời. Nhà kia mấy bà chị chồng về giữ, nói tôi không có quyền gì nữa.
Xin hỏi họ nói vậy đúng không? Chân thành cảm ơn.
thanhdavinguyen@...
Luật sư Nguyễn Thị Huỳnh, Công Ty Luật TNHH ATIM trả lời:
Theo nội dung câu hỏi của bạn, chúng tôi xin được tư vấn như sau:
Theo Khoản 14 Điều 3 Luật Hôn nhân gia đình năm 2014, “Ly hôn là việc chấm dứt quan hệ vợ chồng theo bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của Tòa án.”
Như vậy, mặc dù vợ chồng bạn đã ly thân cách đây hai năm nhưng bạn và chồng bạn vẫn chưa ly hôn, vì vậy quan hệ hôn nhân giữa hai bên vẫn tồn tại cho đến ngày chồng bạn mất.
Nếu khu đất và 2 căn nhà trên khu đất này là tài sản chung, hình thành trong thời kỳ hôn nhân của vợ chồng bạn thì khi chồng qua đời, bạn có quyền yêu cầu Tòa án chia tài sản chung theo quy định tại Khoản 4 Điều 219 và Khoản 1 Điều 224 Bộ Luật Dân sự 2005 để nhận lại (giá trị) phần tài sản của mình trong khối tài sản chung.
Ngoài ra, căn cứ theo Điều 674, Điều 675, Điều 676 Bộ Luật Dân sự 2005, bạn còn được chia thừa kế đối với phần di sản của chồng để lại trong khối tài sản chung trong trường hợp chồng bạn qua đời đột ngột và không để lại di chúc.
Khi đó, bạn có quyền đối với phần tài sản của mình trong khối tài sản chung và phần tài sản có được từ việc chia thừa kế di sản của chồng để lại trong khối tài sản chung.
Do đó, để xác lập rõ ràng quyền đối với khối tài sản chung, bạn nên tiến hành các thủ tục cần thiết để phân chia và kê khai di sản thừa kế.