Câu hỏi từ bạn đọc CafeLand có nội dung:
Gia đình tôi đã rời quê vào miền Nam làm ăn khá lâu. 3 năm trước, vì muốn có người trông coi nhà nên chúng tôi đã thuê người hàng xóm ở quê trông coi, có viết giấy ủy quyền.
Người được ủy quyền được trồng trọt, chăm sóc vườn cây ăn trái trong nhà để có thu nhập cho họ và có nhiệm vụ trông coi nhà, trường hợp có tranh chấp, kiện tụng với hộ khác thì người này cũng được đứng ra giải quyết.
Nay không biết vì lí do gì người này đã bỏ đi đâu, không trông coi nhà nữa. Nay tôi muốn chấm dứt ủy quyền. Vậy con của ông này có thể đứng ra thay thế việc chấm dứt không?
thanh_an_hg@...
Luật sư Nguyễn Thị Mỹ Viễn, Công ty Luật TNHH An Ánh Dương trả lời:
- Theo nội dung đã nêu thì Quý Ông/bà có lập giấy uỷ quyền cho người nhận trông nhà và nay muốn huỷ việc ủy quyền này, nhưng Quý Ông/bà không trình bày cụ thể là trong giấy uỷ quyền đó có chữ ký giữa hai bên hay chỉ có chữ ký của một bên (người uỷ quyền) và thời hạn uỷ quyền còn hay không. Nên chúng tôi, tư vấn đến Quý Ông/bà các trường hợp như sau:
i) Căn cứ theo điều 582 Bộ luật dân sự 2005 “Thời hạn uỷ quyền do hai bên thoả thuận hoặc pháp luật quy định; nếu không thoả thuận và pháp luật không quy định thì hợp đồng uỷ quyền có hiệu lực một năm kể từ ngày lập uỷ quyền”. Theo trình bày thì giấy ủy quyền được xác lập từ 3 năm trước, nếu trong giấy ủy quyền không ghi thời hạn hoặc nếu có ghi thời hạn và thời hạn uỷ quyền đã hết, thì việc ủy quyền này đương nhiên chấm dứt căn cứ theo khoản 1 điều 589 BLDS, thì : “Hợp đồng uỷ quyền hết hạn”.
ii) Nếu giấy uỷ quyền có ghi thời hạn và thời hạn đó vẫn còn thì giải quyết như sau:
• Nếu là giấy uỷ quyền, chỉ có chữ ký của một bên (bên uỷ quyền) thì bên uỷ quyền có thể thông báo cho bên được uỷ quyền (gửi thông báo đến địa chỉ cư trú của bên được uỷ quyền) về việc chấm dứt uỷ quyền này và chấm dứt uỷ quyền kể từ ngày ngày theo thông báo.
• Nếu 2 bên cùng ký vào giấy uỷ quyền hoặc hợp đồng uỷ quyền, thì sẽ căn cứ theo khoản 1 điều 588 BLDS 2005, theo đó:
“Trong trường hợp uỷ quyền có thù lao, bên uỷ quyền có quyền đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng bất cứ lúc nào, nhưng phải trả thù lao cho bên được uỷ quyền tương ứng với công việc mà bên được uỷ quyền đã thực hiện và bồi thường thiệt hại; nếu uỷ quyền không có thù lao thì bên uỷ quyền có thể chấm dứt thực hiện hợp đồng bất cứ lúc nào, nhưng phải báo trước cho bên được uỷ quyền một thời gian hợp lý. Bên được uỷ quyền phải thông báo bằng văn bản cho người thứ ba biết về việc bên uỷ quyền chấm dứt thực hiện hợp đồng; nếu không thông báo thì hợp đồng với người thứ ba vẫn có hiệu lực , trừ trường hợp người thứ ba biết hoặc phải biết về việc hợp đồng uỷ quyền đã bị chấm dứt”.
- Lưu ý: Con của người nhận ủy quyền không thể đứng ra thay thế việc chấm dứt được.