Đứng trước cơn khủng hoảng của đồng hồ Thụy Sĩ đang có xu hướng tăng thêm do sự phát triển của đồng hồ Quartz. Các nhà sản xuất đồng hồ Thụy Sĩ thử nhiều phương pháp nhưng tình hình vẫn không khả quan hơn. Khi đứng sát bên bờ vực của sự phá sản thì các nhà sản xuất đồng hồ Thụy Sĩ đã phải cầu viện đến Nicolas Hayek.
Ở châu Âu, tên tuổi Nicolas Hayek gắn liền với các thương hiệu lớn như Volkswagen, Nestle, US Steel, AEG-Telefunken, Alfa-Romeo, Daimler-Chrysler, Siemens, DEC, BMW, Dresdener Bank. Và đó là lí do mà các nhà làm đồng hồ Thụy Sĩ tìm đến ông với hy vọng thắp lên ánh sáng để đưa nền công nghiệp đồng hồ Thụy Sĩ trở lại thời kì huy hoàng trước đây.
Thời điểm đó Nicolas Hayek đã bước vào tuổi lục tuần nhưng tư duy vẫn rất cởi mở. Ông nhận thức được rằng để chiến thắng, người Thụy Sĩ phải tạo ra sản phẩm cạnh tranh trực tiếp với đồng hồ đến từ Nhật Bản. Muốn vậy phải tìm hiểu xem, ngoài yếu tố về giá cả thì đồng hồ Nhật Bản thu hút người dùng ở chi tiết nào? Khi mua một chiếc đồng hồ mới, người dùng muốn sở hữu thêm những yếu tố nào như đẳng cấp, phong cách hay cảm xúc? Sau một thời gian suy nghĩ, Nicolas Hayek đã quyết định chọn những người trẻ tuổi là đối tượng để chuyển hướng cho nền công nghiệp đồng hồ Thụy Sĩ. Ông nhận thấy những người trẻ tuổi không để ý nhiều đến chất lượng và truyền thống, mà chỉ quan trọng sản phẩm có hợp thời trang và phong cách hay không mà thôi.
Trên cơ sở đó, Nicolas Hayek muốn những thiết kế mới của đồng hồ Thụy Sĩ phải phù hợp với thông điệp: “Chất lượng cao, giá thấp, có tính khiêu khích, phá cách và tràn đầy niềm vui sống”. Ông khẳng định rằng người tiêu dùng mua đồng hồ không chỉ để xem giờ, mà còn để mang lại cảm xúc thật sự dựa trên cái nhìn đầu tiên. Để rồi từ đó, họ sẽ quyết định có nên mua hay sưu tập cho bằng được hay không.
Swiss watch – Swatch – Chính xác, sang trọng và thời trang
Nicolas Hayek quyết định mua lại 2 tập đoàn ASUAG và SSIH, sát nhập lại với cái tên SMH, vẫn dựa trên ý tưởng ban đầu, đó là những mẫu đồng hồ Thụy Sĩ trong giai đoạn này phải đáp ứng được tiêu chuẩn “sành điệu” như các thương hiệu thời trang lớn trên thế giới.
SSIH: Được hình thành từ những năm 1930, ban đầu là sự sáp nhập của 2 thương hiệu đồng hồ nổi tiếng Omega và Tissot. Vào năm 1957 và 1961 hai thương hiệu Hamilton và Bulova lần lượt gia nhập. Tuy nhiên đến cuối năm 1970, SSIH phá sản do suy thoái kinh tế, cùng với sự cạnh tranh khắc nghiệt từ Nhật Bản, các chủ nợ ngân hàng đã chính thức nắm quyền kiểm soát tập đoàn vào năm 1981.
ASUAG: Cũng có thời gian thành lập từ năm 1931, trở thành nhà sản xuất máy và các chi tiết đồng hồ lớn nhất thế giới ở thời điểm đó. Năm 1972, ASUAG cho ra đời thương hiệu đồng hồ riêng và nắm giữ một số cổ phần của công ty General Watch. Thành tựu nổi bật của tập đoàn chính là việc sở hữu nhà máy sản xuất bộ máy chuyển động ETA của đồng hồ, và linh kiện đồng hồ Nivarox-FAR. Thời điểm bấy giờ, hầu hết các nhà sản xuất đều phải mua các chi tiết của đồng hồ từ tập đoàn ASUAG. Nhưng đến năm 1982, ASUAG cuối cùng cũng vỡ nợ và thuộc về các chủ nợ ngân hàng.
Một điều quan trọng khác để vực dậy nền công nghiệp đồng hồ Thụy Sĩ, đó chính là tên thương hiệu. Sau bao đêm vắt óc suy nghĩ ông đã chọn một cái tên ngắn gọn, súc tích, dễ đọc với các ngôn ngữ khác nhau và ẩn chứa bên trong ý chí của cả dân tộc. Thương hiệu “Swatch” ra đời bằng cách ghép hai chữ “Swiss watch”.
Chiến lược phát triển của The Swatch Group là giữ lại những thương hiệu đồng hồ nổi tiếng trước kia. Song song với đó là xây dựng thương hiệu Swatch dành cho giới trẻ với giá thành hợp lý, sao cho vẫn phải có sức hút ngay cả khi anh ta đã trưởng thành và giàu có hơn trước. Những mẫu Swatch được ra đời với thiết kế phù hợp với mục tiêu đề ra, đồng thời tạo tiền đề cho các phân khúc theo sau nó, hướng đối tượng khách hàng và bao trọn phân khúc giá rẻ, để có thể cạnh tranh trực tiếp với các hãng đồng hồ giá rẻ khác. Nicolas Hayek cũng đã xây dựng chiến lược quảng cáo vô cùng ấn tượng cho thương hiệu Swatch. Điển hình là hình ảnh chiếc đồng hồ Swatch khổng lồ 150m với thông điệp bằng tiếng Đức đặt tại toà nhà cao nhất thành phố, thuộc quyền quản lý của ngân hàng Commerzbank ở Frankfurk.
Những chiếc đồng hồ Swatch xuất hiện đầu tiên năm 1982, với thiết kế được cải thiện cho phù hợp với bộ sưu tập ở châu Âu, đã được người tiêu dùng thích thú đón nhận đến mức cung không đủ cầu. Tuy nhiên, Nicolas Hayek vẫn suy tư vì thị trường Mỹ và Nhật Bản không mấy mặn mà với mẫu đồng hồ Swatch. Để thay đổi điều đó, một lần nữa, ông lại thay đổi quan niệm thiết kế Swatch, sao cho đó không còn chỉ là chiếc đồng hồ đơn thuần, mà phải là một xu hướng thời trang hay biểu tượng cho phong cách sống xuyên suốt các thế hệ chứ không chỉ là trào lưu nhất thời.
Thế là, những mẫu đồng hồ Swatch không chỉ cần cải thiện về màu sắc mà cần thay đổi toàn diện về thiết kế, đóng hộp thậm chí là cách giới thiệu đến từng phân khúc khách hàng. Ngoài ra, cần có thiết kế riêng để tạo sức hấp dẫn ở các phân khúc cổ điển, thời trang, thể thao và độc đáo. Tiếp đó, Hayek đã chỉ đạo các kỹ sư của Swatch Group thiết kế mẫu đồng hồ Quartz chỉ với 51 bộ phận, ít hơn rất nhiều so với một mẫu đồng hồ của Nhật với 151 bộ phận. Với ưu thế công nghệ sản xuất tự động, đồng hồ đã được sản xuất trong nước và bán với giá rẻ 50 USD.
Chẳng bao lâu sau, Hayek đã tấn công “Nhật Bản – đất nước của đồng hồ Quarzt” bằng việc quảng cáo chiếc đồng hồ ngoại cỡ thứ hai trên đường phố Tokyo. Điều này đã trở thành khởi đầu cho cơn sốt đồng hồ Thuỵ Sĩ đời mới. Một người có thể mua hàng chục chiếc đồng hồ Swatch để đeo thay đổi mỗi ngày. Thậm chí, xuất hiện cả tạp chí dành riêng cho Swatch, câu lạc bộ người hâm mộ Swatch, và cả bảo tàng cho đồng hồ Swatch cũng ra đời.
Thành công rực rỡ viết tiếp thời kỳ huy hoàng của ngành chế tác đồng hồ Thụy Sĩ
Sau khi trở lại thị trường, chỉ trong vòng hai năm, Swatch đã tràn ngập châu Âu và lan đến Bắc Mỹ rồi Nhật Bản. Năm 1985, Swatch xuất xưởng 10 triệu chiếc đồng hồ. Và chỉ 3 năm sau con số xuất xưởng đã lên đến 50 triệu, đủ để khiến mọi người phải kinh ngạc. Thậm chí, có thời điểm, khi một mẫu đồng hồ Swatch chuẩn bị lên kệ thì tín đồ “cuồng” Swatch sẵn sàng xếp hàng hàng giờ, hoặc ngủ qua đêm trước cửa hàng. Khung cảnh đó chẳng khác gì ngày nay tín đồ Apple “cuồng” mẫu điện thoại iPhone mới vậy.
Năm 1991, Swatch giới thiệu mẫu thiết kế đồng hồ cơ tự lên dây mới mang thương hiệu Swatch, với ý tưởng độc đáo là mặt sau trong suốt để người dùng có thể quan sát cách vận hành của bánh răng. Mẫu thiết kế mới này lập tức gây “sốt” cho thị trường đồng hồ đến mức các nhãn hiệu xa xỉ và cao cấp khác cũng sao chép lại.
Năm 1992, Swatch cán mốc tiêu thụ 100 triệu chiếc và lúc này Nicolas Hayek được mệnh danh là “Ngài Swatch”. Những “cơn sốt” đồng hồ Swatch vẫn không có xu hướng hạ nhiệt mà còn tăng ấn tượng: Năm 1996, tổng doanh số tích lũy đã đạt hơn 200 triệu chiếc. Đến năm 2001, hãng xuất xưởng 114 triệu chiếc đồng hồ, doanh thu đạt 3,3 tỷ USD với nhiều nhà máy ở Pháp, Đức, Ý, Mỹ, Thái Lan, Malaysia và Trung Quốc.
Mỗi lần xuất hiện trước công chúng, Hayek luôn đeo ba hoặc bốn chiếc đồng hồ Swatch trên mỗi cánh tay để nhấn mạnh quan điểm mà ông đã theo đuổi từ lúc mới thành lập Swatch: Sự quan trọng của yếu tố cảm xúc trong thiết kế sản phẩm tiêu dùng. Thành công ngoài sức tưởng tượng với đồng hồ nhưng “Ngài Swatch” vẫn chưa thỏa mãn, ông còn tham gia vào các lĩnh vực vi điện tử, truyền thông, máy tính và thiết bị y tế.
Swatch đã hồi sinh và đưa ngành chế tác đồng hồ Thụy Sĩ lên đỉnh huy hoàng dựa trên nền tảng là những chiếc đồng hồ với thiết kế chính xác, sang trọng, cùng một yếu tố quan trọng khác là thời trang dựa trên triết lý của Nicolas Hayek: “Đẳng cấp trong tầm tay”. Cho dù Nicolas Hayek đã ra đi mãi mãi ở tuổi 80, nhưng ông đã trở thành tượng đài bất tử của ngành đồng hồ Thụy Sĩ, và tập đoàn The Swatch Group do ông sáng lập vẫn thực hiện đúng trọng trách và sứ mệnh mà “Ngài Swatch” đã giao phó.
Tập đoàn đồng hồ Swatch ngày nay ra sao?
Qua nhiều thập kỷ, tập đoàn đồng hồ Swatch vẫn là một trong những nhà sản xuất và cung cấp đồng hồ lớn nhất thế giới, chiếm đến hơn 25% thị phần thị trường đồng hồ. Bên cạnh đó, Swatch còn phát triển sang những lĩnh vực khác như vi điện tử, máy tính và thiết bị y tế.
Ngày nay, có thể bắt gặp nhiều thương hiệu đồng hồ của tập đoàn Swatch ở cả những phân khúc cao cấp lẫn những phân khúc bình dân, như:
- Phân khúc siêu sang: Breguet, Harry Winston, Blancpain, Glashütte-Original, Léon Hatot, Jaquet-Droz, và Omega;
- Phân khúc cao cấp: Longines, Rado và Union Glashütte;
- Phân khúc tầm trung: Tissot, Calvin Klein, Certina, Mido, Hamilton và Balmain;
- Phân khúc bình dân: Swatch và Flik Flak.