Câu hỏi từ bạn đọc CafeLand có nội dung:
Kính chào Luật sư, Cha mẹ tôi đã mất nhưng không để lại di chúc.
Phần đất do cha mẹ để lại anh chị em tôi muốn để cho tôi được đứng tên và có toàn quyền sử dụng nó.
Vậy tôi phải tiến hành những thủ tục nào tại phòng công chứng? Và có phải đóng những loại lệ phí nào không?
Xin Luật sư cho tôi câu trả lời. Xin cám ơn Luật sư !
kimanhtrn@...
Công ty Luật ANT Lawyers trả lời:
Theo quy định tại khoản 1 điều 675 Bộ luật dân sự quy định “Những trường hợp thừa kế theo pháp luật”
- Thừa kế theo pháp luật được áp dụng trong những trường hợp sau đây:
- Không có di chúc
- Di chúc không hợp pháp
- Những người thừa kế theo di chúc đều chết trước hoặc chết cùng thời điểm với người lập di chúc; cơ quan, tổ chức được hưởng thừa kế theo di chúc không còn vào thời điểm mở thừa kế;
- Những người được chỉ định làm người thừa kế theo di chúc mà không có quyền hưởng di sản hoặc từ chối quyền nhận di sản.
Theo quy định trên, cha mẹ bạn mất đi không để lại di chúc, vậy phần di sản sẽ được chia theo pháp luật.
Điều 676 Bộ luật dân sự quy định “Người thừa kế theo pháp luật” như sau:
- Những người thừa kế theo pháp luật được quy định theo thứ tự sau đây:
- Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;
- Hàng thừa kế thứ hai gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại;
- Hàng thừa kế thứ ba gồm: cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột; chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại.
- Những người thừa kế cùng hang được hưởng phần di sản bằng nhau.
- Những người ở hang thừa kế sau chỉ được hưởng thừa kế, nếu không còn ai ở hang thừa kế trước do đã chết, không có quyền hưởng di sản, bị truất quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản.
Căn cứ theo quy định trên, bạn có thể đối chiếu với gia đình mình những ai được hưởng phần di sản của cha mẹ bạn để lại. Nếu tất cả đồng thừa kế đều thống nhất cho bạn hưởng toàn bộ phần di sản cha mẹ bạn để lại, thì gia đình bạn cần tiến hành khai nhận di sản thừa kế tại phòng công chứng nơi có bất động sản là di sản thừa kế hoặc nơi cư trú cuối cùng của cha mẹ. Sau thời gian thong báo niêm yết tại UBND xã, phường nơi có tài sản hoặc nơi cư trú cuối cùng của cha mẹ khi cha mẹ bạn chết, công chứng viên sẽ lập văn bản khai nhận di sản thừa kế theo quy định.
Trong văn bản thỏa thuận, phân chia di sản, các đồng thừa kế sẽ đồng ý tặng cho toàn bộ phần quyền hưởng di sản của mình cho bạn. Văn bản thỏa thuận phân chia di sản đã được công chứng là một trong các căn cứ để cơ quan nhà nước có thẩm quyền đăng ký việc chuyển quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản cho người được hưởng di sản.
(+) Mức phí: Theo Thông tư lien tịch số 91/2008/TTLT-BTP-BTC, mức phí đối với trường hợp khai nhận di sản thừa kế được tính dựa trên giá trị tài sản phân chia, cụ thể như sau:
+ Dưới 50 triệu đồng mức thu 50.000đồng/trường hợp
+ Từ 50 triệu đồng đến 100 triệu đồng, mức thu 100.000đồng/trường hợp
+ Từ trên 100 triệu đồng đến 01 tỷ đồng, mức thu 0.1% giá trị tài sản hoặc giá trị hợp đồng giao dịch.
+ Từ trên 01 tỷ đồng đến 03 tỷ đồng, mức thu 01 triệu đồng + 0.06% giá trị tài sản hoặc giá trị hợp đồng giao dịch vượt quá 01 tỷ đồng.
+ Từ trên 03 tỷ đồng đến 05 tỷ đồng, mức thu 2.2 triệu đồng + 0.05% giá trị tài sản hoặc giá trị hợp đồng giao dịch vượt quá 03 tỷ đồng;
+ Từ trên 05 tỷ đồng đến 10 tỷ đồng, mức thu 3.2 triệu đồng + 0.04% giá trị tài sản hoặc giá trị hợp đồng giao dịch vượt quá 05 tỷ đồng.
+ Trên 10 tỷ đồng mức thu 5.2 triệu đồng + 0.03% giá trị tài sản hoặc giá trị hợp đồng giao dịch vượt quá 10 tỷ đồng (mức thu tối đa không qus 10 triệu đồng/trường hợp).