Câu hỏi từ bạn đọc CafeLand có nội dung:
Chào luật sư, xin luật sư tư vấn cho tôi vấn đề sau:
Ông bà nội tôi có thuê mướn mảnh đất của Chà Và (việc này chúng tôi không rõ mà chỉ nghe kể lại và có nhìn thấy hàng tháng Chà Và vô nhà thu tiền). Trên mảnh đất đó có một căn nhà vách gỗ, mái ngói cột gỗ.
Ông bà nội tôi sống cùng gia đình gồm cha mẹ tôi, một người chú, một người cô cùng các cháu nội ngoại trong đó có tôi (cháu nội) và một người chị con cô (cháu ngoại) và cùng chung một sổ hộ khẩu gia đình.
Tới năm 1960, chú tôi có xây cất lại phần nhà phía trên (nhà tường gạch, mái phro, gác gỗ. Có hợp đồng xây cất và bản vẽ xây cất mang tên chú tôi), phần phía sau vẫn giữ nguyên như lúc đầu.
Năm 1970 cô Út tôi có gia đình và dọn ra ở riêng. Năm 1972 gia đình tôi làm thủ tục tách hộ. Lúc này gia đình ông bà nội tôi có 2 sổ hộ khẩu. Một do ông bà đứng chủ gia đình, một do ba mẹ tôi đứng chủ gia đình.
Tháng 2/1977 bà nội tôi đứng tên kê khai Bản kê khai nhà cửa năm. Trong đó, bà khai phần diện tích đất của khu nhà là đất công, nhà của tư nhân, họ tên chủ nhà là ông nội tôi.
Tháng 11/1977 ông nội tôi mất. Vài tháng sau (đầu năm 1978), chú tôi và vợ con cùng người chị con cô dọn ra ở căn nhà mà chú tôi là sở hữu. Cũng trong năm 1978 hộ khẩu chỉ còn một mình bà nội tôi, nên cùng nhập chung vô hộ khẩu của gia đình tôi.
Năm 1982 chú tôi và vợ con cùng người chị con cô đã đi định cư ở Pháp. Đến năm 1990 bà nội tôi qua đời, khi này chỉ còn lại gia đình tôi ở căn nhà này. Vài tuần sau khi bà nội tôi mất thì ba tôi cũng qua đời cùng năm 1990.
Năm 1991 tôi đã xây dựng lại toàn bộ phần nhà phía sau và sửa chữa lại phần nhà phía trên vì nhà trên đã xuống cấp. Gia đình tôi vẫn tiếp tục ở căn nhà trên cho đến năm 2004 nhà nước có chủ trương cho hợp thức hóa chủ quyền, nên chúng tôi đã kê khai thừa kế di sản của ba mẹ tôi và tiến hành làm chủ quyền căn nhà này.
Sau khi nộp đơn xin cấp giấy Chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và đất ở, nhà nước đã xem xét và đã cấp giấy Chứng nhận quyền sử dụng nhà ở và đất ở cho anh em chúng tôi đồng sở hữu.
Đến nay vì chút xích mích nhỏ trong họ mà các con của các cô tranh chấp, nói là nhà của ông bà ngoại sao không có tên của mẹ họ. Chuyện này tới tai của chú tôi (đang định cư ở Pháp) và chú tôi khẳng định nhà này là nhà của chú (chú đã gởi về cho con của người cô Hợp đồng xây cất, bản vẽ xây cất cùng tờ khai gia đình cũ) chứ không phải là nhà của ông bà nội chúng tôi và buộc chúng tôi phải trả lại nhà cho chú thím.
Nay, qua những trình bày trên tôi xin hỏi:
- Chúng tôi xin cấp và nhà nước đã cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và đất ở cho đồng sở hữu anh em chúng tôi có đúng không? (Vì chúng tôi đã ở căn nhà này từ trước đến giờ và nhà từ trước đến giờ không có chủ quyền của ai cả).
- Hai người cô hiện đang còn sống, và các con của hai người cô này có quyền khởi kiện căn nhà này với lý do nhà của ông bà ngoại để lại không ?
- Chú tôi có quyền khởi kiện căn nhà này là của chú không?
Tôi xin cảm ơn.
quocthanhtruong@...
Luật sư Lê Văn Huyên – Công ty Luật TNHH Đất Luật trả lời:
Xét về thủ tục cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà và tài sản khác gắn liền với đất (Giấy Chứng Nhận) cho anh/chị, do anh/chị đã sử dụng đất ổn định từ trước ngày 15/10/1993, vì vậy, nếu tại thời điểm cấp Giấy Chứng Nhận được UBND cấp xã xác nhận đất không có tranh chấp, phù hợp với quy hoạch sử dụng đất đã được xét duyệt đối với nơi đã có quy hoạch sử dụng đất thì Giấy Chứng Nhận cấp cho gia đình anh/chị là hợp pháp.
Về quyền khởi kiện yêu cầu được đứng tên sở hữu căn nhà, các cô chú và những người thừa kế của ông bà của anh/chị có quyền khởi kiện yêu cầu chia tài sản do căn nhà này có nguồn gốc tạo lập là của ông bà của anh/chị (giấy tờ kê khai năm 1977), ngoài ra chú của anh/chị cũng có giấy tờ chứng minh việc xây dựng căn nhà và giấy tờ kê khai nhà đất. Tuy nhiên, thời hiệu khởi kiện yêu cầu chia di sản thừa kế là 10 năm kể từ thời điểm mở thừa kế (từ khi ông, bà chết), tính đến nay đã hết thời hiệu khởi kiện chia thừa kế, vì vậy, nếu khởi kiện về chia di sản thừa kế thì Tòa án sẽ không thụ lý. Đối với trường hợp tranh chấp tài sản chung, tùy trường hợp cụ thể Tòa án sẽ xem xét và giải quyết trên cơ sở hồ sơ pháp lý về nguồn gốc tạo lập tài sản và quy định của pháp luật.